Tin tức

Tôn nhập khẩu tăng đột biến ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế

Tôn nhập khẩu tăng đột biến ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế | VSTEEL

Hoàng Nam / 11/27/2015 4:43:44 PM

Sản phẩm tôn thép nhập khẩu chất lượng kém hiện nay đang tăng đột biến ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng và nền kinh tế trong nước

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tình trạng tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu, hậu quả và giải pháp” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 27/11.

Năm 2014, các nhà sản xuất tôn thép trong nước chỉ tiêu thụ được 2.104.000 tấn, trong khi đó khối lượng nhập khẩu vào để tiêu thụ là 750.000 tấn. Như vậy, tôn nhập khẩu chiếm đã chiếm đến 26,3% thị trường trong nước.

Thị phần tôn nhập khẩu năm 2015 còn tăng cao hơn. Trong 9 tháng đầu năm 2015, các nhà sản xuất tôn thép trong nước chỉ tiêu thụ được 2.268.000 tấn, trong khi khối lượng nhập khẩu là 1.078.000 tấn. Như vậy, tôn nhập khẩu chiếm 32,2% thị phần. Điều này làm tổn thất nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất tôn mạ trong nước.

Số lượng tôn thép nhập khẩu các loại tăng từng năm, từ năm 2011 (334.000 tấn) đến tháng 9/2015 là 1.078.000 tấn. Đáng chú ý, năm 2015 lượng tôn thép nhập khẩu có mức tăng đột biến, trong đó nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc có số lượng lớn, giá rẻ và chất lượng kém.

Về tình hình gian lận thương mại, tôn giả tôn nhái, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay biểu hiện của việc gian lận tôn giả là in mác nhãn giả, lấy cắp thương hiệu các nhà sản xuất tôn có uy tín để in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về độ dày của tôn.

Việc gian lận này làm mất uy tín của các doanh nghiệp trong nước, giảm thị phần của nhà sản xuất trong nước, ngân sách nhà nước bị thất thu, người tiêu dùng bị móc túi và chất lượng công trình không đảm bảo, đe dọa đến tính mạng con người.

Thời gian qua hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng tôn thép diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính của các doanh nghiệp, thiệt hại về kinh tế. 

Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, với sức tiêu thụ loại sản phẩm này thì hiện nay hàng năm người tiêu dùng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và ngân sách nhà nước mất đi hàng trăm tỷ đồng.

Năm 2014, chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện 1.900 cơ sở kinh doanh tôn, thép, phát hiện xử lý hàng trăm cơ sở vi phạm, phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang năm 2015, kết quả kiểm tra cho thấy, tôn nhái, sai nhãn mác, không hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ có mặt ở hầu như tất cả các tỉnh trên cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, gần chục công ty trên địa bàn Hà Nội đã bị lực lượng chức năng phát hiện kinh doanh tôn, thép giả, kém chất lượng hoặc tôn dem.

Có một nghịch lý là chủ yếu các vụ việc bán hàng giả bị bắt và xử phạt hành chính nên không đủ sức nặng ngăn ngừa hoạt động này. Cụ thể 9 tháng năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ xử lý gần 150 nghìn vụ việc vi phạm, tăng 30% so với năm 2014, nhưng chỉ có khoảng 1.000 vụ bị khởi tố (chiếm chưa đến 1%)

Theo thống kê của Hiệp hội Thép, tổng lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa năm 2015 so với năm 2013 giảm 20% thị phần (năm 2013 tôn mạ tiêu thụ trong nước chiếm 63% đến năm 2015 tiêu thụ 43% thị phần còn lại 57% là thị phần của tôn mạ nhập khẩu)

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết ước tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 là 2.597.633 tấn. Cùng với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương 519.527 tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất 9,351 tỷ đồng. Tính toán này áp dụng mức giá 18 triệu đồng/tấn đối với hàng tôn màu nói chung.

Về biện pháp lâu dài, ông Thanh kiến nghị cần có bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn thép. Tình trạng tôn nhập khẩu kém chất lượng gia tăng trong những năm gần đây, trong đó Trung Quốc chiếm 90% lượng tôn nhập khẩu vào Việt Nam, điều này gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị cạnh tranh không lành mạnh ngay trên sân nhà. Đồng thời doanh nghiệp thép Việt Nam cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu bởi vướng các hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe ở các nước bạn dẫn đến tình trạng hàng sản xuất trong nước vẫn dư thừa.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa kiến nghị cơ quan nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để quản lý triệt để chất lượng tôn thép như xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về tôn mạ và sơn phủ màu. Quy chuẩn mang tính pháp lý cao hơn để có thước đo xử phạt hàng giả hàng nhái. “Không chỉ doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh mà cần sự vào cuộc của cả xã hội”, ông Sưa nhấn mạnh.

Kết cấu thép VSTEEL Theo Ndh

Tags:

Tin liên quan

Tin khác