Tin tức

Ngành thép Việt Nam: Khi nhà nước chọn người thắng cuộc (P1)

Ngành thép Việt Nam: Khi nhà nước chọn người thắng cuộc - Phần 1 | VSTEEL

Hoàng Nam / 11/9/2015 11:42:16 AM

Dù nhận được rất nhiều ưu đãi nhưng Tổng Công ty Thép Việt Nam với mũi nhọn là Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn không trở thành trụ cột như kỳ vọng

Không hề bất ngờ khi Nhà nước tập trung nguồn lực cho VNSTEEL (TISCO) là với kỳ vọng tổng công ty này sẽ trở thành một hình mẫu thành công như thương hiệu POSCO của Hàn Quốc.

Theo nhóm nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, có năm yếu tố đưa POSCO đến thành công với xuất phát điểm từ zero. Không tài nguyên (quặng sắt). Không nằm trên tuyến hàng hải thuận lợi. Không công nghệ. POSCO được thành lập năm 1968 với khoản tiền 100 triệu USD từ Nhật Bản sau khi Tổng thống Park Chung Hee chủ động bình thường hoá quan hệ hai nước. Quyết định này được đánh giá là vô cùng dũng cảm, gác lại quá khứ từng bị xâm chiếm, còn giúp Seoul tiếp nhận hỗ trợ về công nghệ sản xuất thép.

Là một doanh nghiệp Nhà nước nhưng POSCO hoạt động theo Luật thương mại, quản trị như một công ty tư nhân. Người dẫn dắt POSCO là tướng Park Tae-Joon, điều hành doanh nghiệp trong suốt 24 năm, được thừa nhận là có tinh thần doanh nhân công.

“Thập niên 1990, khi POSCO trở thành một nhãn hiệu thép có tính cạnh tranh toàn cầu với lợi nhuận hàng tỉ USD/năm, Chính phủ Hàn Quốc quyết định thoái toàn bộ cổ phần chi phối, để “con gà đẻ trứng vàng” trở thành công ty tư nhân hoàn toàn”, TS Huỳnh Thế Du thành viên nhóm nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nói.

Được biết, POSCO đầu tư rất mạnh cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), không ngừng cải tiến hiệu quả quy trình sản xuất cũng như chủ động tìm kiếm thị trường quốc tế.

Nhìn lại triều đại Park Chung Hee mới thấy bên cạnh ngành thép với điển hình POSCO, còn có một số ngành công nghiệp mũi nhọn như hoá chất, ôtô, đóng tàu… được Chính phủ hậu thuẫn đi kèm với đòi hỏi về khả năng cạnh tranh quốc tế. Thành tựu của những ngành công nghiệp này ít nhiều đều có những ứng dụng trong công nghiệp quốc phòng. Thực tế là đến nay vẫn chưa có một hiệp định hoà bình trên bán đảo Triều Tiên ngoài thoả hiệp ngừng bắn được đôi bên ký kết từ năm 1953. Áp lực bị thôn tính được xem là động lực mạnh nhất buộc Hàn Quốc phải vươn lên bằng mọi giá. Dường như đây cũng là điểm chung của những “con rồng” châu Á gồm Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.

Dấu ấn Trung Quốc khá rõ nét ở TISCO - doanh nghiệp có bề dày truyền thống nhất trong các đơn vị thành viên của Vnsteel (đổi tên năm 1995 sau 5 năm thành lập). Khu Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên (tiền thân của TISCO) được Trung Quốc xây dựng năm 1959. Sang thập niên 1990, khoản đầu tư 170 triệu USD Chính phủ rót vào TISCO cũng là vốn vay ODA từ Trung Quốc. Cách ưu tiên phân bổ nguồn lực bộc lộ ý chí biến TISCO thành “quả đấm thép”. Tuy nhiên, việc Nhà nước chọn người thắng cuộc đã không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Số liệu thống kê của nhóm nghiên cứu FETP cho biết nếu như năm 1995 VNSTEEL chiếm 70% sản lượng sản xuất trong nước (362 ngàn tấn) và 22% lượng thép tiêu thụ thì đến năm 2013, VNSTEEL chỉ đóng góp 20% sản lượng sản xuất và 10% lượng thép tiêu thụ (không tính các liên doanh hoạt động gần như độc lập với VNSTEEL), thấp hơn hai doanh nghiệp tư nhân là Thép Việt và Hoà Phát. Điều đáng chú ý, khối dân doanh xếp sau cùng trong thứ tự ưu tiên lần lượt là khu vực nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài.

Được gắn thêm cánh tay Nhà nước nhưng TISCO không tạo ra đột phá đáng kể, thậm chí còn trở thành gánh nặng cho ngân sách. Dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO khởi công tháng 9/2007 với tổng đầu tư 3.843 tỉ đồng. Nhà thầu chính là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC). Đến tháng 8/2012, lãnh đạo TISCO đề xuất điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 8.104 tỉ đồng. Tháng 9/2014, Thủ tướng chấp thuận cho SCIC đầu tư 1.000 tỉ đồng vào TISCO để tiếp trục triển khai dự án giai đoạn 2.

Trước đó hai tháng, Báo Nông nghiệp Việt Nam (ngày 31/7/2014) dẫn báo cáo của TISCO cho hay MCC đã chuyển đến công trường 97,65% khối lượng thiết bị theo giá trị hợp đồng nhưng “phần quan trọng nhất là hệ thống tự động hoá đo lương và thiết bị điều khiển thì phía nhà thầu chưa chuyển đến. Một lần nữa, chủ đầu tư phải kiến nghị Bộ Công thương có ý kiến tác động đến tổng thầu MCC để chuyển nốt chỗ thiết bị “tinh hoa” nhất đến công trường phục vụ công việc lắp đặt”.

Như vậy, Trung Quốc tham gia vào ba cột mốc quan trọng của TISCO kể từ khi hình thành cách nay 56 năm. Khi quan hệ đối tác chuyển thành đối thủ, Trung Quốc rõ ràng có lợi thế cạnh tranh về thông tin. Nhóm nghiên cứu FETP còn cho rằng Trung Quốc không có động cơ hỗ trợ thực thụ đối với TISCO khi mà họ biết chắc rằng ngành sản xuất của hai nước sẽ đối đầu trên thương trường. Cũng không loại trừ khả năng Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ công nghệ lạc hậu.

Trong mối quan hệ gần gũi giữa Nhà nước và DNNN, POSCO may mắn có một “người mẹ” nghiêm khắc và tỉnh táo. POSCO chỉ mất 10 năm để đạt được sản lượng 5 triệu tấn thép, gấp gần 5 lần VNSTEEL sau hai thập niên. Với sản lượng hiện đạt khoảng 40 triệu tấn/năm, POSCO được xem là một trong những thương hiệu cạnh tranh nhất ngành thép trong sân chơi toàn cầu. Còn TISCO, sau 20 năm, vẫn là đứa trẻ được cưng chiều, chưa cai sữa.

Theo Diep Tuong – ndh.vn

Kết cấu thép VSTEEL

Tin liên quan

Tin khác