Tin tức

Bộ Công Thương giữ quyết định áp thuế tự vệ ngành thép

# Bộ Công Thương giữ quyết định áp thuế tự vệ ngành thép | VSTEEL

Hoàng Nam / 3/23/2016 12:22:58 AM

Ngày 22/03 là ngày bắt đầu áp dụng thuế tự vệ tạm thời trong thời gian 200 ngày đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Sau khi quyết định được công bố ngày 08/03, giá thép trong nước tăng vọt.

Chưa có quyết định áp thuế tự vệ nào có lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước mà gây nên những xáo trộn trên thị trường như quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài được công bố hôm 08/03 và chính thức có hiệu lực từ ngày 22/03.

Giá thép trên thị trường nội địa kể từ hôm 09/03 đã tăng mạnh. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn quyết định mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và với thép dài là 14,2%, áp dụng trong thời gian 200 ngày, kể từ ngày 22/03.

Trong văn bản gửi tới báo chí, Bộ Công Thương giải thích rằng có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, chứ không phải riêng doanh nghiệp nào vì hiện nay không có doanh nghiệp thép nào là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

“Khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra”, bộ này nhận định, và cho rằng một số đại lý, nhà phân phối lợi dụng thông tin chính sách để găm hàng, đẩy giá, thu lợi nhuận cao hơn.

Mặt khác, bộ này vẫn yêu cầu các doanh nghiệp nguyên đơn (Thép Việt Trung, Tổng công ty Thép Việt Nam, Thép Việt Ý và Thép Hỏa Phát) báo cáo tình hình giá bán mặt hàng phôi thép và thép dài trước và sau khi có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ. Bộ cũng yêu cầu Hiệp hội Thép phối hợp với các thành viên theo dõi giá phôi thép, thép dài và có biện pháp ổn định tình hình thị trường.

Cũng theo bộ, hiện tượng các doanh nghiệp găm hàng chờ tăng giá có thể là hiện tượng xảy ra trong thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường. Tuy nhiên, với lượng tồn kho lớn của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế và dễ dàng gia tăng sản lượng khi thị trường tích cực hơn thì hiện tượng găm hàng sẽ chấm dứt.

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, việc giá phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 100 đô la Mỹ/tấn là do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng vào thời gian này dẫn đến việc giá thép trong nước tăng theo.

Tất nhiên, cũng có một số doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép và sản xuất thép dài trong nước phản đối việc áp thuế tự vệ với phôi. Bộ Công Thương khẳng định sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp phản đối nêu trên (dự kiến vào đầu tháng 4-2016) để làm rõ cơ sở, lập luận của vấn đề này.

Sau các buổi làm việc, Bộ Công Thương sẽ ra báo cáo cuối cùng, có quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với các mặt hàng nêu trên trong thời hạn dài hay không trên cơ sở khách quan, tính đến lợi ích xã hội tổng thể và ảnh hưởng đến từng phân khúc sản xuất.

Kết luận sơ bộ trước đó từ Cục quản lý Cạnh tranh cho thấy ngành sản xuất phôi thép và thép dài trong nước đang hứng chịu thiệt hại từ việc nhập khẩu gia tăng, khiến cho công suất ngành phôi thép giảm từ gần 60% năm 2014 xuống còn dưới 50% năm 2015. Tốc độ gia tăng bán hàng năm 2015 của ngành sản xuất trong nước chỉ bằng khoảng một phần tư với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, nếu không có biện pháp ngăn chặn, lượng phôi thép nhập khẩu cả năm 2016 vào Việt Nam có thể lên tới 4-5 triệu tấn, gần bằng sản lượng của ngành thép trong nước sản xuất ra năm 2015. 

Kết cấu thép VSTEEL Theo TBKTSG online

Tin liên quan

Tin khác