Tin tức

Áp lực với ngành thép khi Việt Nam tham gia TPP

Áp lực với ngành thép khi Việt Nam tham gia TPP | VSTEEL

Hoàng Nam / 12/6/2015 11:01:47 PM

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra nhiều áp lực đối với ngành thép Việt Nam, bởi quy mô nhỏ, vốn mỏng và thiếu năng lực trong việc giải quyết các tranh chấp phòng vệ thương mại

Yếu thế cạnh tranh

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một trong những ngành sẽ phải chịu áp lực lớn khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực chính là ngành thép của Việt Nam. Nhiều năm trở lại đây và đến thời điểm hiện tại, thép Việt Nam vẫn từng ngày bị “lép vế” trước thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt với giá thấp. Nguy cơ khó cạnh tranh với thép nhập khẩu càng gia tăng khi hàng loạt các FTA được ký. Ngành thép Việt Nam đang gặp những rào cản lớn về quy mô, năng lực nội tại làm giảm khả năng cạnh tranh, kìm chân doanh nghiệp (DN). Sự yếu thế cả về vốn và nguồn nhân lực khiến cho các DN thép của Việt Nam không thể đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất. Công nghệ sản xuất lạc hậu chỉ là một trong hàng loạt vấn đề mà ngành thép vấp phải hiện nay. Ngoài việc phải căng mình cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, ngành thép còn “đau đầu” đối phó những vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài. Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa nhẩm tính, trong tháng 9 vừa qua, ngành thép đã bị các nước kiện chống bán phá giá tới ba lần, còn nếu tính từ khi tham gia xuất khẩu, con số này lên tới vài chục lần. Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng DN không chỉ phải chuẩn bị về nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn phải chuẩn bị thật kỹ về khả năng phòng vệ, nắm rõ “luật chơi” ở sân chơi toàn cầu mới có thể trụ vững trên thương trường ở thời kỳ hội nhập.

Khi hội nhập, “hàng rào” thuế quan sẽ dần dỡ bỏ, DN trong nước phải đối diện hàng loạt các mặt hàng giá rẻ tràn vào, không thể bắt buộc người tiêu dùng mua hàng Việt trong khi những sản phẩm nước ngoài có ưu thế vượt trội về giá cả cũng như chất lượng. Các FTA mà Việt Nam đã và đang ký kết sẽ có tác động cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. Nhưng riêng ngành thép, những tác động tiêu cực có tính chất mạnh mẽ hơn so với những tác động tích cực. FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VCUFTA) với năm quốc gia Nga, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ka-dắc-xtan và Kít-gi-xtan dù mở ra cơ hội không nhỏ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, song đối với ngành thép đang là nguy cơ khủng khiếp. Nước Nga được mệnh danh là “người khổng lồ” của ngành thép, nhiều chuyên gia nhận định, nếu như thép Nga tràn vào, các DN thép Việt vốn yếu đuối sẽ bị “bóp chết” một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các DN cần phải tự nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại để khi cần thiết có thể đối phó với thép nhập khẩu giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh trong nước cũng như tham gia các vụ kiện phòng vệ ở nước ngoài. Đối với các DN khi vướng vào những vụ kiện này rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chức năng cũng như phía hiệp hội. Nhiều chuyên gia phân tích, để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam cần chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp. Thực tế, đã có một số DN thép trong nước thắng kiện khi có đầy đủ thông tin chứng minh không bán phá giá tại thị trường nước ngoài. Song, để làm được việc này, đòi hỏi DN không chỉ có tiềm lực về kinh tế, mà cần thông thạo, hiểu sâu về luật lệ, các công cụ phòng vệ trước các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế.

Tự lực vươn lên

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được hai nước ký kết. Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu ở các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, sắt thép, cáp điện,… nhập khẩu từ Hàn Quốc theo cam kết VKFTA. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), với cam kết của Việt Nam, các sản phẩm sắt thép là nhóm phải chịu sức ép mở cửa trước tiên. Chưa cần chờ đến khi VKFTA có hiệu lực, thép nhập khẩu từ Hàn Quốc đã rất sẵn tại thị trường trong nước,nhập khẩu thép từ Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản. Đại diện Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho rằng, hội nhập là xu hướng tất yếu, các DN thép Việt Nam không còn con đường nào khác là phải tự vươn lên bằng chính nỗ lực của bản thân, nâng cao khả năng quản trị, hạ giá thành,… để đưa ra được những sản phẩm chất lượng cao, có tính cạnh tranh. Tính cạnh tranh được đánh giá ở nhiều chỉ tiêu như chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả, khả năng cung ứng,…

Liên quan những vấn đề của ngành thép khi hội nhập, Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, khi đã mở cửa, tham gia toàn cầu hóa, Việt Nam phải chấp nhận nguyên tắc của kinh tế thị trường. Những biện pháp hỗ trợ cho DN của Chính phủ, cơ quan quản lý cũng chỉ có tính tạm thời. Do đó, các DN thép phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh với sản phẩm của các nền kinh tế khác. Hơn nữa, sự hỗ trợ từ cơ chế đối với ngành thép cũng giống như muối bỏ biển, nếu chính năng lực cạnh tranh của ngành quá yếu. Như vậy, các DN phải luôn nỗ lực trong việc nâng cao khả năng quản lý và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Hồ Nghĩa Dũng, ngành thép phải xây dựng những DN đủ lớn với quy mô 4-5 triệu tấn/năm, chỉ khi mở rộng quy mô, các sản phẩm thép trong nước mới có thể chống chọi được với sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ. Mặc dù ngành thép gần đây có mức tăng trưởng khá, song công suất thực tế của không ít nhà máy chỉ đạt 60% thiết kế, do bị thép nhập khẩu cạnh tranh. Các DN thép sản xuất cầm chừng còn có cả yếu tố chủ quan. Những năm trước đây, tốc độ phát triển của ngành rất nóng, cung vượt xa cầu, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, sản lượng sụt giảm là đương nhiên. Tổng công suất sản xuất thép xây dựng Việt Nam đã đạt hơn 11 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ chỉ khoảng sáu triệu tấn. Năm nay, thị trường thép bắt đầu quá trình đào thải một cách quyết liệt, chứng kiến sự “biến mất” của một số tên tuổi. Trong quá trình hội nhập, các DN sản xuất trong nước sẽ được bảo hộ trong vài năm đầu, đây là thời gian “vàng” để các DN tái cơ cấu, chuẩn bị nội lực cạnh tranh. Những DN nào không bứt phá để phát triển, việc bị đào thải là tất yếu và cần thiết để ngành phát triển thật sự trong tương lai.

Hơn lúc nào hết, trên bước đường hội nhập, các DN ngành thép cần phải biết đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phát triển và yếu tố quyết định cho DN vượt qua khó khăn trước mắt cũng như lâu dài chính là chất lượng và giá thành sản phẩm.

Kết cấu thép VSTEEL theo Báo Nhân dân

Tin liên quan

Tin khác